ĐỜI SỐNG HỌC ĐƯỜNG

   Cảm nhận bài thơ tứ tuyệt“ Trường ta”  của tác giả Trần Phương

   Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc, và trường học chính là mảnh đất màu mỡ ươm mầm, nuôi dưỡng những hạt giống đáng yêu, đáng quý ấy. Bên thềm năm mới Nhâm Dần đang gõ cửa, tôi thật sự bồi hồi khi đọc được những câu thơ trong bài “Trường ta” của tác giả Trần Phương:

                             “Tân Sửu đi qua, đến Nhâm Dần

                               Hạnh phúc trường ta, đẹp tuyệt trần

                               Trò ngoan, học giỏi, vui bè bạn

                               Phượng Hoàng tung cánh vẫy chào xuân.”

     Bài thơ 4 chữ được ra đời trong thời khắc gần chuyển giao giữa năm cũ và năm mới: “Tân Sửu đi qua, đến Nhâm Dần”. Chia tay Tân Sửu – một năm học đầy sóng gió và thử thách với tất cả các ngành nghề trên toàn đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến năm học 2021-2022 mở đầu với nhiều thách thức, không có những buổi học tập trung,  không có những buổi tập dượt, lễ khai giảng cũng được tổ chức nhanh chóng, giản dị qua chiếc màn hình TV, máy tính. Vượt lên trên tất cả, trường Phượng Hoàng, ngôi trường mà tác giả nói đến trong bài thơ, đã nỗ lực không ngừng với khẩu hiệu “học sinh không đến trường nhưng không dừng việc học” để rồi nhận lại kết quả vô cùng phấn khởi, ngọt ngào với những tiết học, những hoạt động trải nghiệm với nhiều chủ đề phong phú, đầy hào hứng, chất lượng. Giờ đây, gác lại một năm cũ, tạm chia tay những tiết học online, những lần gặp mặt ngắn ngủi qua lớp khẩu trang, ta lại hân hoan chào mừng một Nhâm Dần với đầy những cung bậc cảm xúc hi vọng, yêu thương, hứng khởi và tràn ngập niềm tin về một năm mới đầy thành công đang tiếp bước.

                                “Hạnh phúc trường ta, đẹp tuyệt trần”

 “Trường ta” – 2 chữ thôi sao mà nghe thân thương quá! “Trường ta” là ngôi trường hạnh phúc, là nơi con cháu ta gửi gắm niềm tin, là nơi chính ta trao đi bao nhiệt huyết, bao nỗ lực để nơi đó ngày càng phát triển và vươn lên. Câu thơ này có thể được hiểu theo 2 nghĩa: Trường ta đó, ngôi trường hạnh phúc đó là một nơi xinh đẹp tuyệt trần, nơi có những tòa nhà xinh xắn, là mái nhà ươm mầm biết bao tài năng, lan tỏa bao nhiêu tình yêu thương, tôi rèn nên bao nhiêu phẩm chất và con người tốt đẹp. Cái “đẹp tuyệt trần” ấy còn được tỏa ra từ những đồi cây xanh mát, từ những chậu hoa nghiêng mình trong nắng, từ nụ cười tươi hiền hòa của bác bảo vệ mỗi sáng ở cổng trường, từ cái nhìn thân thiện của những cô, những dì tổ hỗ trợ đáng yêu, từ cả những góc sân, những bức ảnh, châm ngôn được treo đầy trên những bức tường trắng. Cái đẹp ấy còn được nhìn thấy ở những lời chào hỏi của những bạn học sinh, ở những bài giảng say sưa đầy nhiệt huyết của các thầy cô giáo, ở những lời cảm ơn chân thành khi được giúp đỡ của những thành viên đã gắn kết và xem nhau như một gia đình… “Cái đẹp của nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống” là vì thế.

     Ngoài ra, khi ta liên kết câu số 2 và câu số 3, ta còn có thể hiểu theo một nghĩa khác:

                                   “Hạnh phúc trường ta, đẹp tuyệt trần

                                    Trò ngoan, học giỏi, vui bè bạn”

     Hạnh phúc của trường ta, đó là một niềm hạnh phúc rất đẹp: nó đơn giản chỉ là khi “trò ngoan, học giỏi, vui bè bạn”. Có thể nói trường học không chỉ là nơi tiếp thu, truyền thụ kiến thức mà còn là mái nhà thứ 2 của từng giáo viên và học sinh, là nơi học sinh có thể phát triển kỹ năng một cách toàn diện, là một sân chơi lý thú và bổ ích để trẻ em được sống đúng với lứa tuổi của mình. Quả thật,  ở “trường ta” của tác giả, mỗi bạn học sinh đều cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” khi luôn nhận được sự quan tâm đầy ấm áp, yêu thương từ thầy cô, bè bạn. Niềm vui được nhân đôi, nỗi buồn được chia sẻ. Hạnh phúc của người học sinh đôi khi rất giản dị: một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời nhận xét chính xác, chân tình; một giờ giảng hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô …. Tất cả những điều ấy đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp, theo người học sinh đến suốt cuộc đời. Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quan đẹp của thầy cô, bạn bè, mái trường đều sẽ góp phần thêu dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ của tuổi học trò, góp phần xây dựng nên những phẩm chất tốt đẹp, phát huy những năng khiếu bẩm sinh, tiếp bước và vun đắp những ước mơ, hi vọng. “Trò ngoan, học giỏi, vui bè bạn” hẳn cũng chính là mong ước, là niềm hạnh phúc của chính tác giả nói riêng và các thầy cô giáo cũng như phụ huynh nói chung.

     Câu thơ thứ 4 có thể nói là câu thơ đắt giá nhất trong bài: “Phượng Hoàng tung cánh vẫy chào xuân”. Ở đây, tác giả đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa một cách nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng cũng đầy sâu sắc. Phượng Hoàng vốn là một loài chim được xuất hiện nhiều trong các nền tôn giáo và thần thoại. Nó là sự kết hợp những đặc điểm xinh đẹp nhất của nhiều loài: đầu gà, chiếc cổ cao của chim hạc và bộ đuôi dài rực rỡ của loài chim công. Thân hình của phượng hoàng gợi lên năm đức tính của con người. Đầu tượng trưng cho đức hạnh. Đôi cánh tượng trưng cho trách nhiệm và nghĩa vụ. Bộ ngực tượng trưng cho lòng nhân đạo. Lưng thể hiện cho đối nhân xử thế khéo léo. Và cuối cùng bụng biểu thị cho sự đáng tin cậy.  Có thể nói, đây là một loài chim quý, đại diện cho những đức tính tốt đẹp của con người. Hình ảnh “Phượng Hoàng tung cánh vẫy chào xuân” là một hình ảnh tuyệt vời để chào đón năm mới với nhiều hi vọng, khát khao. “Phượng Hoàng” cũng chính là tên ngôi trường của tác giả. Hình ảnh “Phượng Hoàng tung cánh” như báo hiệu một sự đột phá, chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định chất lượng và thương hiệu của mái trường này trong năm mới đang đến gần (“vẫy chào xuân”). Trong truyền thuyết, người ta thường biết đến chim Phượng Hoàng với sự bất tử và tái sinh. Vòng đời của nó không bao giờ kết thúc. Phượng Hoàng sẽ hồi sinh. Mỗi một lần hồi sinh Phượng Hoàng sẽ ngày càng đẹp hơn, mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn. Cũng như thế, mỗi năm qua đi, mái trường Phượng Hoàng sẽ ngày càng thành công và phát triển hơn, được mọi người biết đến và tin tưởng gửi gắm hơn. Quả thật, trong chặng đường hơn 5 năm xây dựng và phát triển của mình, trường PT CLC Phượng Hoàng đang ngày càng chuyển mình theo hướng tích cực nhờ những đầu tư chất lượng cao về chuyên môn, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy. Với khẩu hiệu “Học để tự chủ”, Phượng Hoàng hứa hẹn là nơi trang bị đầy đủ cho học sinh cả về kiến thức, kỹ năng xã hội để các em luôn “Yêu thương – Trách nhiệm – Tôn trọng – Đoàn kết – Sáng tạo – Tự chủ”.

     Với bài thơ ngắn gọn, súc tích của mình, tác giả Trần Phương đã gửi gắm nhiều niềm tin yêu, hi vọng và mong ước về một năm mới nhiều thắng lợi, thành công tiếp bước thành công cho mái trường của mình. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng năm Nhâm Dần gõ cửa sẽ khép lại mọi âu lo, đánh bay đại dịch Covid-19 và đúng như mong ước “Phượng Hoàng tung cánh vẫy chào xuân”. Trường học hạnh phúc sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc và mái nhà Phổ thông Chất lượng cao Phượng Hoàng sẽ luôn là “nơi ước đến, chốn mong về” của các thầy cô và các em học sinh.

                                                    Ngày 26/01/2022

                                                   Nguyễn Thị Mến – Tổ Tiếng Anh